Phát thanh an toàn giao thông
05 Tháng Mười Một 2018 :: 6:20 CH :: 918 Views :: 0 Comments

Đến với ngôi trường THPT số 1 Phù Cát, vào đầu và cuối mỗi buổi học chúng ta sẽ được nghe vang vọng khắp sân trường là những bài phát thanh truyền cảm của các bạn học sinh, với nội dung tuyên truyền các Điều luật giao thông, hay các hiện tượng giao thông nổi cộm đang diễn ra trong học đường hoặc những câu chuyện về an toàn giao thông trong cuộc sống.
Với mục đích nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh; không để tai nạn giao thông xảy ra; khắc phục ùn tắc giao thông trước cổng trường, trên địa bàn; trong những năm học gần đây và trong năm học 2018 – 2019, BGH đã chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó chương trình phát thanh Giao thông học đường là một điểm sáng. Để thực hiện thành công, BGH nhà trường phối hợp Đoàn trường trong công tác tổ chức thực hiện. Theo đó, BCH Đoàn trường có nhiệm vụ tổ chức viết bài, ghi âm nội dung tuyên truyền về ATGT; phân công lớp trực tuần mở đĩa tuyên truyền vào đầu và cuối mỗi buổi học trong tuần; bên cạnh đó còn kêu gọi các chi đoàn tổ chức viết bài về chủ đề giao thông và phát sóng trực tiếp.
Từng chút một, các vấn đề giao thông được các em học sinh tiếp nhận một cách tự nhiên, các em có cơ hội chính mình tìm hiểu các vấn đề giao thông xảy ra xung quanh mình, kể cho nhau nghe những câu chuyện thực tế về giao thông. Có hôm tôi lắng nghe một em học sinh khối 10 trong bài phát thanh đã chia sẻ tình hình thực tế của các bạn học sinh trong trường khi ra ngoài “tầm mắt” của các thầy cô thì không còn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, em tìm hiểu nguyên nhân (bạn thì sợ nóng, bạn sợ mất đẹp vì hỏng tóc, bạn cảm thấy không thoải mái với bạn bè,…), và bài phát thanh đó khẳng định việc không đội mũ bảo hiểm đó “chẳng oai” một chút nào, đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, không trân trọng tính mạng bản thân, phụ tấm lòng cha mẹ và thầy cô. Tôi mỉm cười nhận ra rằng các em hiểu hết, và khi các em tự nói cho nhau nghe thì nhiều khi còn “thấm” hơn rất nhiều. Hay một lần khác tôi nghe một chương trình phát thanh của một em học sinh khối 12, em chia sẻ một cuốn sách có nhan đề “Mười hai điều nhỏ bé mỗi người Philippin có thể thực hiện để giúp ích Tổ quốc” (Tác giả - luật sư Alêchxandro Lacxon). Cuốn sách đó chỉ ra rằng điều nhỏ bé đầu tiên mà mỗi người cần thực hiện chính là: “Hãy tuân thủ Luật giao thông. Hãy tuân thủ luật pháp”. Bạn có thể thắc mắc vì sao trong 12 điều nhỏ bé này, việc tuân thủ Luật giao thông lại được đặt lên hàng đầu? Câu trả lời thật đơn giản: “Luật giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước. Luật giao thông hiện diện trong mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, khi người dân phải ra đường. Chúng ta đối mặt với khoản luật này hàng ngày từ sáng đến tối. Do đó, quyết định tuân thủ hay không tuân thủ luật giao thông chính là điều kiện để tạo ra một môi trường liên tục cho mọi người cố gắng và nỗ lực trong từng ngày. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen. Trật tự cũng giống như những bậc thang. Trước khi leo lên được bậc cao nhất, hãy bắt đầu bằng nấc thang thấp nhất, bởi lẽ “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên”. Thật là một cuốn sách ấn tượng!
   Thế đấy, các bài phát thanh với nhiều  nội dung về đảm bảo an toàn giao thông bước đầu mang lại hiệu quả đối với nhận thức của các em. Hi vọng rằng chương trình này cùng với các hoạt động khác của nhà trường về vấn đề giao thông sẽ góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho xã hội.
 
Tác giả: Phúc Huy- Mỹ Kha
 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

Copyright © THPT Số 1 Phù Cát | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin 18 Tháng Tư 2024    Đăng Nhập 
Được cung cấp bởi: www.eportal.vn